Từ cuối tháng 2 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 24 ca nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu công nghiệp methanol; 2 người tử vong, nhiều người đang cấp cứu trong tình trạng nặng. Các bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau đầu, nhìn mờ; xét nghiệm lượng methanol trong máu rất cao. Họ đều mua rượu trắng ở cửa hàng tạp hóa không có nhãn mác, hoặc uống tại quán ăn… mà không biết chúng được pha cồn công nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng không thể phân biệt được rượu ethanol và rượu methanol nếu chỉ dựa vào cảm quan thông thường. Vì thế, người dân cần cảnh giác với những loại rượu không nhãn mác, giá siêu rẻ, thậm chí giá chỉ vài nghìn đồng mỗi lít vì đó rất có thể là rượu pha cồn công nghiệp methanol.
Chung quan điểm này, bà Nguyễn Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa methanol hay không. Nhìn chung, rượu chứa methanol có vị hơi ngọt.
Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp. Về cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu… Ngoài ra khi ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Một cách thử khác nhiều người áp dụng là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.
Sau bữa liên hoan ngày 8/3, có 9 sinh viên nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng vì ngộ độc rượu methanol. Ảnh: Vnexpress.
Rượu pha cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu nó có tác dụng tương tự như rượu thông thường. Khi vào cơ thể, chất cồn này được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả cơ quan cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải mất 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Vì thế, bác sĩ khuyên người dân tốt nhất không nên uống rượu bia; nếu uống thì chọn loại có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Trường hợp người uống rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không rõ, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, đau bụng, co giật… cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ngộ độc rượu gồm 2 dạng. Phổ biến nhất là ngộ độc rượu thực phẩm – ethanol. Nguy hiểm hơn rất nhiều là ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Số vụ ngộ độc methanol có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Không được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, các bệnh nhân thường lâm tình trạng tổn thương nặng, dễ tử vong.
Hãy sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ , nhãn mác rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân
và những người xung quanh
Halico xin phép được chia sẻ với các bạn cách xử trí khi ngộ độc rượu (Theo Tạp chí sức khỏe):
Các biểu hiện của ngộ độc rượu
Khi uống quá nhiều rượu, cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Người bị ngộ độc rượu thường mất khả năng vận động tự chủ như không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài…, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người, không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp, mất tri thức, gọi hỏi không biết, mất các phản xạ hoặc có thể rơi vào tình trạng hôn mê, gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt với người có tuổi hay bệnh lý tim mạch khi say rượu, rất có thể sẽ xuất hiện những triệu chứng của tai biến tim mạch như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Vì vậy khi có dấu hiệu bị ngộ độc, cần phải xử lý ngay tại chỗ, sau đó, đưa người bị ngộ độc vào viện cấp cứu, tránh những biến chứng mắc phải về sau.
Cách xử trí khi ngộ độc rượu
Khi gặp trường hợp ngộ độc rượu, người thân, bạn bè hoặc những người xung quanh cần tìm cách để người ngộ độc rượu nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má; cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc; cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Cho người bị ngộ độc nằm trong tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.
Không để một người bất tỉnh một mình. Trong khi chờ đợi để được giúp đỡ, không cố gắng để làm cho người nôn mửa do những người đã bị ngộ độc rượu bị giảm phản xạ và có thể sặc chất nôn của chính họ hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi, gây ra một chấn thương phổi gây tử vong.
Đặc biệt, tránh để người thân uống rượu say rồi đi ngủ, vì một số trường hợp người uống bị hôn mê trong khi ngủ, nếu hôm sau mới phát hiện và đưa đi viện thì không thể cứu được. Do vậy, người nhà cần chú ý chăm sóc cho người thân bị say rượu, tuyệt đối không nên để họ ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Sau vài tiếng, người nhà nên gọi họ dậy, cho uống sữa hoặc ăn cháo.
Một số thực phẩm giúp giải ngộ độc rượu
Ăn chuối: Uống rượu quá nhiều có thể sẽ gây ra ngộ độc rượu, người bị ngộ độc nhẹ có thể lập tức ăn 3 – 5 quả chuối, như thế vừa giúp thanh lọc máu vừa nhuận phổi giải rượu.
Đậu đen: Khi ngộ độc rượu ta có thể uống nước sắc đậu đen để giải say. Ninh đậu đen cho nhừ rồi uống liên tục từng chén một sẽ có tác dụng giải ngộ độc rượu.
Hạt đậu xanh cũng giải được ngộ độc rượu bằng cách sau: Nghiền nát khoảng nửa lon đậu xanh hạt, sau đó hòa vào nước sôi để nguội rồi cho người ngộ độc rượu uống để nôn mọi chất trong dạ dày ra khỏi cơ thể. Sau đó có thể cho người ngộ độc ăn cháo gạo nấu với 30g cam thảo.
Nước ép rau muống: Rửa sạch 500g rau muống tươi (loại rau sạch) giã nát, vắt lấy nước uống nhiều lần trong ngày sẽ giải được ngộ độc và khỏi say rượu.
Những thực phẩm trên chỉ có tác dụng giúp giải độc với trường hợp bị ngộ độc nhẹ, với những trường hợp ngộ độc nặng, người nhà cần chú ý chăm sóc, sơ cứu tại chỗ sau đó đưa đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu.