Các sản phẩm rượu của Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) đã trở thành sự lựa chọn bởi chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm Halico từ nhiều năm qua đã được người tiêu dùng đánh giá cao và tin dùng.
Công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất kép kín
Trong ngành công nghiệp sản xuất rượu, cồn nguyên liệu được xem là nhân tố quyết định chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Viết Hạnh – Nguyên Giám đốc Xí nghiệp sản xuất cồn rượu (thuộc Halico) – cho biết: Dù cùng gọi là cồn và cùng được sản xuất từ quá trình lên men, nhưng cồn thực phầm và cồn công nghiệp có tính năng sử dụng, đặc biệt là tác động hoàn toàn khác nhau đối với cơ thể con người. Nếu sử dụng “nhầm” cồn công nghiệp trong chế biến rượu như Công ty CP XNK 29 Hà Nội sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho người sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay không phải doanh nghiệp (DN) sản xuất rượu nào cũng có đủ nguồn lực đầu tư và vận hành hệ thống sản xuất cồn với chất lượng theo tiêu chuẩn của các tổ chức y tế quốc tế và Việt Nam. Các cơ sở sản xuất rượu tư nhân nhỏ lẻ lại càng không có khả năng sản xuất cồn, mà phải mua của các công ty sản xuất hoặc mua cồn trôi nổi trên thị trường để sản xuất rượu… Điều này làm cho việc kiểm soát chất lượng cồn và rượu thành phẩm rất khó.
Ở Việt Nam, hiện nay mới chỉ có một số DN chủ động sản xuất cồn để sản xuất rượu, tuy nhiên hệ thống tháp chưng cất cồn để đạt được chất lượng cao không nhiều. Theo một chuyên gia sản xuất rượu, để có được cồn tinh khiết tức là loại bỏ được các loại độc tố phải qua ít nhất 6 lần chưng cất. Tuy nhiên, hiện nay, mới có một vài DN sản xuất lớn như Halico có tháp chưng cất 8 lần, còn lại chỉ có các hệ thống tháp chưng cất 2 hoặc 3 lần…
Để loại bỏ hoàn toàn các độc tố trong rượu, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Halico đã đầu tư dây chuyền hiện đại nhập từ các nước có nền công nghệ cất cồn hàng đầu thế giới, với hệ thống chưng cất 8 tháp chính, mỗi tháp có hàng chục tầng phân tách cùng với hệ kiểm soát hiện đại và liên tục nên luôn kiểm soát được chất lượng cồn và rượu thật sự tinh khiết, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, hàm lượng độc tố methanol và các tạp chất khác được kiểm soát chặt chẽ, luôn nằm trong giới hạn cho phép (Methanol < 10 mg/l – nhỏ hơn 10 lần so với QCVN).
Theo kết quả phân tích của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội ngày 23/9/2013, hàm lượng Methanol trong Rượu Nếp Mới của Halico là 1,75mg/l (nhỏ hơn 57,14 lần so với QCVN). Đây là những thông số quan trọng để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng các sản phẩm của Halico.
Tháp chưng cất 8 tầng hiện đại
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, hệ thống thiết bị từ khâu đường hóa, lên men, chưng cất đến chiết rót và hoàn thiện sản phẩm rượu của Halico đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Các dòng rượu của Halico đều đạt chất lượng, phù hợp với Quy chuẩn Việt Nam về đồ uống có cồn (QCVN6-3:2010/BYT) đã được Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/7/2011.
Với các dòng rượu đạt chất lượng và an toàn cao, năm 2010, Diageo – một tập đoàn sản xuất, kinh doanh rượu lớn nhất thế giới sau khi khảo sát thị trường và các DN ở Việt Nam đã quyết định lựa chọn Halico làm đối tác để đầu tư, nghiên cứu các dòng sản phẩm mới để xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước. Đến nay, Halico đã cung ứng cho tập đoàn Diageo hàng triệu lít rượu thành phẩm xuất khẩu.
Hình nhà máy rượu Halico tại Yên Phong, Bắc Ninh
Rượu giả có còn đất sống?
Là một thương hiệu được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao từ nhiều năm, vì vậy, nhiều công ty tư nhân, cơ sở sản xuất đã “ăn theo” các nhãn hiệu của Halico như: Lúa mới, Nếp mới, Rượu Hà Nội, Vodka Hà Nội,… để nhập nhèm đăng ký các thương hiệu nhái tên, tung sản phẩm ra thị trường và đã đánh lừa không ít người tiêu dùng, gây mất lòng tin của người tiêu dùng với các sản phẩm của Halico.
Dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín
Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới bán lẻ rượu tại các địa phương đang bị bỏ ngỏ. Hệ thống quản trị đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp giữa trung ương và địa phương không chặt chẽ dẫn đến việc nhiều DN tư nhân lợi dụng để đăng ký các nhãn mác, thương hiệu ăn theo các DN lớn và đây là một trong những nguyên nhân khiến rượu chất lượng kém tràn lan trên thị trường.
Trước thực tế này, không chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, Halico đã chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng cần có nhiều cuộc tổng rà soát lại thị trường, đặc biệt là đối với các loại rượu nhái kiểu dáng, tên gọi. Ở các địa phương, công ty đều yêu cầu các nhân viên thị trường tăng cường kiểm tra phát hiện rượu nhái kiểu dáng, nhãn hiệu, để báo cho cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.
Để tăng cường quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Theo đó, hệ thống phân phối rượu phải được quy hoạch từ trung ương xuống địa phương. Đây là cơ sở để thiết lập và kiểm soát lại thị trường, loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng để trả lại thị trường cho các DN chân chính.
Theo ông Vương Toàn – Nguyên Giám đốc Halico: bên cạnh sự nỗ lực của DN trong việc nâng cao công nghệ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và thị trường… Các cơ quan chức năng của nhà nước cần thực hiện triệt để quy định về quản lý rượu theo Nghị định 94 để kiểm soát thị trường rượu. Nếu không kiểm soát được thị trường, để rượu giả hoành hành sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường cho sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tới uy tín của các nhà sản xuất rượu chân chính.
Trong quá trình lập lại trật tự trong quy hoạch sản xuất và kinh doanh rượu, các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay trong việc loại trừ những nhãn hiệu, kiểu dáng bắt chước, nhái kiểu của những DN có thương hiệu, đã đăng ký hợp pháp trước đó… “Để hạn chế việc này, khi các DN đăng ký nhãn mác hàng hóa, các cơ quan chức năng cần phải yêu cầu phân biệt rõ, tránh nhập nhèm và đặc biệt là không cấp phép sản xuất cho những sản phẩm có tên gọi, nhãn mác, bao bì giống hoặc có nhiều chi tiết giống, dễ gây nhầm lẫn với những sản phẩm đã đăng ký được cấp phép trước đây” – Ông Toàn kiến nghị.
Ông Trần Nguyên Năm – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết: Hiện Bộ đã yêu cầu các địa phương dừng cấp phép, thống kê lại các điểm bán lẻ rượu trên địa bàn. Trong thời gian tới, Bộ cùng với các địa phương rà soát lại toàn bộ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Xử lý mạnh tay đối với các cở sở làm không đúng quy định, đảm bảo công bằng cho các DN sản xuất chân chính.
Thúy Hà
baocongthuong.com.vn