Báo động rượu giả tràn lan
Hiện nay, quy mô sản xuất rượu ở Việt Nam khoảng 400 triệu lít, trong đó rượu dân tự nấu là 300 triệu lít. Tuy vậy, rượu công nghiệp đang dần thay thế rượu thủ công. Năm 2015, lượng rượu làm giả, làm nhái và không chịu sự quản lý của nhà nước hiện nay ước tính có thể chiếm tới 50% so với rượu thật.
Hậu quả dễ thấy nhất từ việc này là sức khỏe người sử dụng bị ảnh hưởng cũng như tác động tiêu cực tới hình ảnh của các doanh nghiệp sản xuất rượu, chưa kể tới uy tín của ngành rượu trong nước nói chung. Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp thông tin của các doanh nghiệp cũng như phải có chế tài đủ mạnh để răn đe những kẻ phạm pháp, đẩy lùi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu trái phép. Có như vậy mới có thể ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn bán, vận chuyển, sản xuất hàng hoá trái phép nói chung, rượu giả, rượu lậu nói riêng.
Tuy nhiên, chỉ cần chú ý một chút, người tiêu dùng có thể nhận biêt rượu thật – rượu giả cơ bản để tránh tình trạng “mang tiền thật mua phải hàng giả”. Mức rượu trong chai chính là yếu tố đầu tiên cần để tâm. Do sử dụng công nghiệp và đóng chai tự động, màu sắc cũng như mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Rượu giả được làm thủ công nên màu sắc và mức rượu bên trong chai thường không đồng đều. Khi mua, nên quan sát vài chai rượu cùng nhãn hiệu, xếp thành dãy và cùng một góc ảnh sáng để nếu thấy chai nào có màu rượu và mức rượu khác biệt thì có thể nghi vấn đó có thể chai giả.
Cách thông dụng nhất chính là kiểm tra nhãn hàng. Một số lượng lớn các loại rượu giả đều sử dụng lại vỏ của chai rượu thật. Trong quá trình tẩy rửa, đóng chai, nhãn thật bì trầy xước hoặc bị bong ra chút ít. Vì vậy, người mua nên thận trọng với những lời giải thích “hàng bị xước trong quá trình vận chuyển”. Còn đối với các nhãn giả, các nét in sẽ không thể sắc nét và bắt chước được các kỹ thuật in đặc biệt của các hãng chính gốc.
Ngay cả khi mua hàng rồi, người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến âm thanh lúc mở nắp sản phẩm. Khi mở nắp chai, rượu thật dễ mở, rãnh đứt sắc nét, có tiếng tách rất gọn. Với rượu giả sẽ khó mở và dai hơn.
Cách phân biệt cuối cùng đó chính là hương vị. Rượu giả thường có mùi cồn hoặc là mùi của sơn móng tay (acetone) khá nặng. Thường thì màu nước rượu giả ít sóng sánh, nếu lắc nhiều sau đó sẽ phát hiện những hạt cặn li ti từ từ rơi xuống đáy chai. Mỗi loại rượu thật đều có những mùi thơm rất đặc trưng; không như rượu giả có vị hơi đắng, khi uống thấy gắt miệng.
Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ người tiêu dùng
Đánh giá về những cơ hội cho ngành rượu trong nước trong quá trình hội nhập, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển. Việc cần làm đó là nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển thương hiệu, đặc biệt là giữ được uy tín và niềm tin trong lòng người tiêu dùng.
Ngày 23/12, chiến dịch “Chủ động chống rượu giả nhằm bảo vệ người tiêu dùng” đã được CTCP Cồn rượu Hà Nội Halico (Halico) khởi động.
Ông Mai Văn Lợi, Giám đốc Halico cho biết: “Ngoài dây chuyền sản xuất tiên tiến giúp sản phẩm đạt độ tinh khiết cao, hoàn toàn khác biệt với các sản phẩm kém chất lượng, công ty cũng thay đổi mẫu mã và áp dụng công nghệ dập nổi vỏ chai, khó có thể bắt chước được bằng những dụng cụ thông thường. Trên mỗi chai rượu đều có mã vạch, logo và mã số seri dập nổi, các chi tiết trên bao bì in sắc nét, nắp chai thiết kế đặc trưng và tem chống hàng giả.
Việc ra mắt sản phẩm 94 Lò Đúc và tái tung Vodka Hà Nội với bao bì mẫu mã mới của Halico là một trong những nỗ lực của Halico nhằm cam kết bảo vệ người tiêu dùng khỏi những nguồn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.”
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Trí Dũng – Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ: “Nhà nước khuyến khích người làm rượu thủ công bán lại cho các cơ sở chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn, có nhãn mác. Nhà nước đã ban hành Nghị định 94 để thúc đẩy sản phẩm rượu công nghiệp, thay thế dần rượu thủ công. Ngoài ra, cũng điều chỉnh chính sách về thuế như một biện pháp để làm giảm số người tiêu thụ rượu bia.”
Đầu tư dây chuyền gần 50 triệu USD để nâng cao chất lượng
Ngay từ khi ra đời vào năm 1898, Halico không ngừng xây dựng và phát triển để có thể trở thành tiên phong của ngành rượu Việt. Minh chứng rõ ràng nhất của sự nỗ lực này là những sản phẩm uy tín, được nhiều người ưa chuộng như Vodka Hà Nội, Lúa Mới hay Nếp Mới.
Bằng việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp lên men cổ truyền và những tiến bộ khoa học hiện đại, Halico đã thành công trong việc tinh chế được những hương vị nồng đượm và dịu êm đặc trưng cho tất cả sản phẩm của hãng.
Không chỉ dừng lại ở đó, bước chuyển mình mãnh mẽ nhất của công ty khi Halico quyết định hợp tác chiến lược với một trong những tập đoàn đồ uống cao cấp hàng đầu nhất thế giới – Diageo. Cuộc “kết hợp” này tạo điều kiện thuận lợi cho Halico trong lĩnh vực đổi mới, mở rộng hệ thống phân phối và tung ra thị trường những sản phẩm chiến lược.
Vào năm 2012, Halico quyết định chuyển nhà máy từ 94 Lò Đúc về Bắc Ninh, nhằm đẩy mạnh hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Với mức vốn đầu tư lên đến gần 50 triệu USD, nhà máy mới được áp dụng công nghệ sản xuất và hệ thống chưng cất hiện đại hàng đầu thế giới. Để loại bỏ hoàn toàn các độc tố, công ty cũng đầu tư hệ thống chưng cất 8 tháp đa áp suất, hệ thống lọc Bạc 29 cột.
Nguồn: BizLive