Vui lòng xác nhận tuổi trước khi truy cập Website

HALICO cam kết uống có trách nhiệm. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần đảm bảo rằng bạn ở trên độ tuổi uống rượu hợp pháp và được phép xem trang web này một cách hợp pháp. Bằng cách nhấp vào xác nhận “Trên 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của trang web này. Nội dung này dành cho những người trong độ tuổi uống rượu hợp pháp, vui lòng không chia sẻ hoặc chuyển tiếp cho bất kỳ ai chưa đủ tuổi vị thành niên.

 

Xin lỗi bạn về sự bất tiện này,

vui lòng quay lại khi bạn đã đủ 18 tuổi

Về nguồn 2020 – Tự hào “Tinh thần Việt Nam”

Quảng Bình – Quảng Trị được mệnh danh là vùng đất của những anh hùng bất khuất, của tinh thần chiến đấu bất diệt. Những di tích lịch sử còn mãi với thời gian là minh chứng rõ ràng nhất cho một thời kỳ chiến đấu oanh liệt, nơi đây còn vang mãi những khúc tráng ca trên mảnh đất đầy nắng gió và cát trắng.

Ngày 25/9/2020, một ngày đáng nhớ đánh dấu mốc thời gian mới cho công cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Chúng ta đã chiến thắng Đại dịch lần thứ 2 bằng một tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Để cùng nhau sống lại tinh thần đó, chúng tôi đã tìm về mảnh đất của những con người quật cường, những anh hùng dân tộc đã hy sinh mạng sống của mình để vun đắp và xây dựng cho điều thiêng liêng nhất đó chính là “Tinh thần Việt Nam”.

Quảng Bình đón chúng tôi vào một ngày thu tràn đầy nắng vàng, không khí trong lành và dịu mát với những cơn gió từ biển thổi vào càng khơi thêm cảm giác bồi hồi và xuyến xao trong lòng. Trên những cung đường đầy cát trắng, chúng tôi dừng chân tại di tích lịch sử Hang Tám Cô. Những ký ức xưa như lại vọng về, hình ảnh những Thanh niên xung phong với dáng người nhỏ bé nhưng ánh mắt của họ tràn đầy nhuệ khí và sức mạnh. Những con người đã hy sinh khi họ đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Tinh thần của những thanh niên xung phong tại đây như tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để tiếp tục với cuộc hành trình. 

 

Rời Hang Tám Cô, trên cung đường lịch sử – đường mòn Hồ Chí Minh đoàn tiếp tục vào Quảng Trị. Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nơi an nghỉ của “Những ngôi sao không bao giờ tắt”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có hơn 20.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn và hơn một nửa trong số đó vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Đến với nơi yên giấc của các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn, chúng tôi ai cũng ngậm ngùi bởi đứng trước vong linh của những anh hùng đã ngã xuống, chúng tôi cảm thấy đang nợ những người đã ngã xuống, nợ Tổ quốc một điều gì đó rất lớn lao. Các anh, các chị, những người đồng đội chung chí hướng từ khắp mọi miền đất nước đã tụ họp tại đây để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, người thân và đồng đội. Tên tuổi của các anh sẽ được các thế hệ sau ghi lòng tạc dạ. Điều chúng tôi nhớ mãi khi đến nghĩa trang Trường Sơn là những ngôi sao vàng được gắn lên những “ngôi nhà” nơi các anh, các chị yên nghỉ. Dù ngày hay đêm, những ngôi sao đó vẫn lấp lánh. Những ngôi sao không bao giờ tắt trong lòng người dân Việt Nam, những ngôi sao sáng mãi trên con đường Trường Sơn. Ai đã từng đến đây dù chỉ một lần thôi cũng không phai mờ những ký ức hơn 10.000 ngôi sao vàng, những ngôi sao luôn sống trong tiềm thức, luôn đọng lại trong trí nhớ. Cái cảm giác xót xa hòa lẫn với tự hào về những người con đã xả thân vì Tổ quốc.

Tiếp tục cuộc hành trình đi tìm điều thiêng liêng của dân tộc, chúng tôi theo dòng Thạch Hãn để vào Thành cổ Quảng Trị – Một biểu tượng của ý chí bất tử.

Dòng Thạch Hãn – dòng sông của một thời đỏ lửa đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, dòng nước ấy đã hòa tan cùng với dòng máu nóng của các anh hùng khi vượt sông. Để vào được thành cổ, những chiến sĩ phải vượt dòng sông Thạch Hãn dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Có những khi 10 người vượt sông mới có 1 – 2 người qua được Thành cổ, còn đa số những người còn lại phải gửi lại tấm thân dưới dòng sông. Đến hôm nay, vẫn còn có những chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất Thành cổ này nhưng chưa tìm được hài cốt hoặc là những bộ hài cốt vô danh. Có những người cha, người mẹ vẫn ngày đêm mong được tìm thấy con mình ở đây. Máu của chiến sỹ đồng bào ta đổ xuống, tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc để xanh ngời cỏ non thành cổ hôm nay.

Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trong cuộc hành trình là di tích lịch sử Địa Đạo Vịnh Mốc – Kỳ tích sống trong lòng đất lửa Quảng Trị  và đây cũng là minh chứng rõ nét  nhất cho “Tinh thần Việt Nam” mà chúng tôi tìm kiếm.

Giữa những năm bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng lại có một địa đạo Vịnh Mốc – một thế giới sống và chiến đấu ở trong lòng đất, biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trong rất nhiều căn cứ cách mạng trên “đất lửa” Quảng Trị thì hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là biểu trưng cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông. Năm 1965, làng Vịnh Mốc đã bị hủy diệt hoàn toàn dưới sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ. Với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời”, quân và dân Vĩnh Linh đã âm thầm chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất. Sau 18.000 ngày công gian khổ, các chiến sĩ Đồn Biên phòng 140 cùng với nhân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ đã đào và vận chuyển hơn 6000m3 đất đá kiến tạo nên một hệ thống làng hầm đồ sộ tại một quả đồi đất đỏ bazan ở phía nam làng Vịnh Mốc, sát với biển. Toàn bộ hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước 0.9m x 1.75m, dài 2.034m, bao gồm nhiều nhánh thông với nhau qua trục chính dài 870m. Địa đạo có 13 cửa ra vào, trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển và 3 giếng thông hơi. Đây không chỉ là làng hầm chiến đấu đơn thuần như các công trình khác, mà còn là không gian sống ngầm của bộ đội và người dân địa phương. Họ đã biến lòng đất thành những pháo đài vững chãi với 3 tầng thông nhau. Tầng một sâu 8 – 10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn. Tầng 2 cách mặt đất từ 12 đến 15m là nơi sinh sống của dân làng. Tầng 3 sâu hơn 23m, dùng làm kho chứa lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ cũng như phục vụ chiến đấu cho quân và dân địa đạo Vịnh Mốc. Có thể nói rằng địa đạo Vịnh Mốc chính là một ngôi làng dưới mặt đất với các công trình như giếng nước sinh hoạt, kho gạo, bếp Hoàng Cầm, trạm gác, trạm đặt máy điện thoại, bệnh xá, phòng phẫu thuật, nhà hộ sinh, nhà tắm… Đặc biệt, dọc hai bên đường hầm khoét sâu 1.8m và rộng 0.8m thành những ô nhỏ, là những phòng dành cho hộ gia đình từ 3 – 4 người có thể sinh hoạt được. Bên trong hầm còn có một hội trường dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim với sức chứa lên đến hơn 50 người.

Chứng kiến công trình kiến trúc kỳ vĩ dưới lòng đất, được trực tiếp trải nghiệm cuộc sống gian khổ dưới hầm sâu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và cảm phục tinh thần bất khuất của người dân Quảng Trị. Tinh thần đó hòa cùng ý chí kiên cường và anh dũng của người dân trên khắp mọi miền tổ quốc đã làm nên điều vĩ đại nhất chính là “Tinh thần Việt Nam”.

J.B

Tin tức mới

Tin liên quan