Nhìn thấy quả bầu rượu, người ta nghĩ đến rượu, nghĩ đến ngàn xưa, nghĩ đến men của cuộc sống, đến những điều mơ hồ của cội nguồn, từ đó mang lại cho ta điều gì dễ chịu, an tâm.
Chúng ta thường thấy trên nóc Tháp Rùa, ở hồ Hoàn Kiếm có dựng một chiếc bầu rượu. Trên nóc Ngọ Môn ở Thái Hòa Điện, Thế Miếu, Hưng miếu, chùa Thiên Mụ…. ở Huế cũng có trang trí những chiếc bầu rượu. Chiếc bầu rượu có chiếc giải mềm mại lại được hai con Rồng hoặc hai con cá hóa Rồng chầu vào. Không chỉ có thế mà chúng ta còn thấy ở rất nhiều những mái đình, miếu, am, thậm chí cả chùa ở khắp mọi nơi đều đặt chiếc bầu rượu vào một vị trí cao nhất. Đến nỗi Rồng là biểu tượng cao quý nhất, thiêng liêng nhất, đại diện cho vương quyền cũng phải kính cẩn, tôn vinh nó. Mọi người đều gọi bầu rượu đó là bầu rượu thiêng, là bầu nước thiêng vì nó được đặt trên cao nhất và ở chính giữa Việt điện. Mà Việt điện là cả một thế giới u linh, tôn nghiêm, cao cả.
Xa xưa nhất quả bầu là từ quả bầu trên cây bầu được khoét hết bên trong mà chỉ còn cái vỏ ngoài cứng mà dẻo với cái mầu mát mà xôn xao, giản dị. Quả bầu là nguồn gốc, là bụng bà mẹ đẻ ra các tộc người. Huyền thoại xưa kể về chuyện quả bầu đượm màu tâm linh và triết học. Có một con số khổng lồ những con người ở trong quả bầu muốn ra với vũ trụ. Họ chen chúc quá đỗi trong quả bầu, làm cho quả bầu bụng mẹ lăn lóc, quằn quại. Quả bầu đau đẻ, Đấng thiêng liêng hơ nóng một cái dùi rồi chọc vào quả bầu, hình thành một cái lỗ. Thế là tất cả mọi người trong quả bầu chen nhau mà chạy ra ngoài. Những người ở gần chỗ nóng ra trước, nước da bị đen sẫm. Những người ra sau trắng hơn. Và những tộc người ra đời. Sau này mọi người không bao giờ quên rằng mình được ra từ quả bầu bụng mẹ. Họ buộc quả bầu bằng một sợi dây thật đẹp (sau này là giải lụa) rồi quàng lên cổ hoặc đeo ngang lưng. Lúc đầu họ đựng nước là thứ cần thiết nhất cho cuộc sống. Sau này yếu tố này không quan trọng lắm nữa. Họ đựng rượu. Rượu trong bầu là nước thiêng, cho mọi người sức mạnh của trời đất và của mẹ. Rượu để cúng tế thần linh. Khi tửu bất thành lễ, rượu để uống mà sống và để say sưa yêu cuộc sống.
Quả bầu là vũ trụ, nó rỗng để chứa, thâu tóm tất cả những gì mênh mang to lớn và tinh hoa của đất trời âm dương. Chứa cả mẫu hệ, vương quyền, cha mẹ… tất cả.
Nước và Rượu trong quả bầu tưới tắm cho con người, cứu vớt con người để con người tồn tại trong sự phồn. Phồn thóc góc, phồn trai gái…
Từ “chữ nghĩa” của quả bầu là Hồng Lô, là cái hồ lô to lớn vô cùng, vĩ đại vô cùng, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hồng là mênh mông, là phi thư dùng.
Với Đạo giáo, quả bầu là chứa đựng linh đan là thuốc thần diệu để có thể nên thần tiên. Trước hết là xa lánh cõi sống bui bậm, đầy đắng cay rồi trở nên bất tử theo ý nghĩa vô cùng vi vu, khái quát. Với Phật giáo, quả bầu là bình rượu, bình nước cam lồ của Phật Bà Quan Âm để cứu các chúng sinh trong bể khổ trầm luân. Với Khổng giáo, nó là đại diện của Thiên, Địa, Nhân. Nó ca tụng con người là Chúa tể của muôn loài, con người dựa vào sức mạnh của quả bầu mà hài hòa với thiên nhiên nên gọi quả bầu là cái túi càn khôn. Văn hóa Việt Nam là văn hóa tam giáo đồng lưu nên càng thống nhất với tâm niệm của quả bầu. Quả bầu là “kim âu” (âu vàng). Ta còn nhớ câu: “Non sông ngàn thủa vững âu vàng”. Nó chứa sự chuyển âm dương, chứa cái phong đọ vĩnh hằng của dân tộc. Về sau này, khi công nghệ gốm và sứ phát triển, người ta chế tạo ra những quả bầu bằng gốm sứ. Ngoài có vẽ những hình vẽ như Rồng, mặt trời, ngọn lửa, phượng, mây… đầy vẻ tâm linh, ước lệ. Trong đó có gửi gắm những mật mã để đời sau giải mã dần.
Những quả bầu thật sự và những quả bầu bằng gốm, sứ ở miền xuôi được đặt trên các bàn thờ nơi đền đài miếu mạo hoặc bàn thờ tổ tiên, gồm các mâm lễ cúng.
Vào khoảng năm 1930 – 1931, ở làng Kẻ Mơ, Bạch Mai – một trong những quê hương rượu của Việt Nam, người ta có một bài hát rất nổi tiếng ca ngợi quả bầu rượu và rượu. Nơi đây họ nấu rượu và bán rượu. Phụ nữ cũng uống rượu chẳng kém gì nam giới. Cứ đến ngày mồng 4 tháng giêng, có lễ thần, mười sáu cô gái trinh ăn mặc sặc sỡ, môi son má phấn vừa múa vừa hát. Mỗi cô cầm trong tay một bầu rượu. Họ hát lên:
Tay tình tay nâng … Tình bầu rượu
Ta bớ ru hời … Ta ru hời
Rẻo lắm nếp hoa … Ta cất rượu
Tay tình tay nâng
Tình bầu rượu
Ta bớ … ru hời…
Ta ru hời …Rẻo lắm nếp mây…
Mỗi quả bầu được buộc thêm vào một dải lụa màu ở nơi thắt cổ bồng.
Cho đến bây giờ, ở các gia đình, các bàn thờ ở mọi nơi, nhất là ở nông thôn, chúng ta thấy những bầu rượu bằng gốm, sứ Bát Tràng hoặc sứ ở lò sứ cổ. Ở những nơi hẻo lánh hoặc ở miền núi còn giữ được nhiều bầu rượu nguyên bản.
Quả bầu là một trong những văn vật của văn hóa Việt Nam.
J.B