Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng dân uống rượu mách nhau: “Muốn uống rượu lâu say nên uống thêm paracetamol”, điều này rất nguy hiểm, vì khi uống rượu nhiều rất dễ bị ngộ độc thuốc, nhất là các thuốc có hại cho gan như paracetamol.
Uống rượu là thói quen lâu đời của người Việt
Trong khi rượu kém chất lượng, có nguồn gốc từ cồn và nước lã, được bày bán tràn lan, từ trong nam ngoài bắc, và khả năng phân biệt rượu kém chất lượng và rượu có nguồn gốc từ nhà máy là rất khó, thì việc tự bảo vệ mình mỗi khi phải uống rượu là điều nên làm.
Dưới đây là những chia sẻ của Giáo sư (GS) Nguyễn Lân Dũng với những độc giả thích uống rượu, bia cách giữ gìn sức khỏe khi tiếp cận thường xuyên với rượu cũng như xử lý khi bị say rượu.
GS có lời khuyên gì cho độc giả khi chọn mua rượu? Làm thế nào để chọn đúng rượu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?
Chọn uống rượu ngoại là cách đơn giản nhất vì thường đã được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, rượu ngoại hiện nay cũng thật giả lẫn lộn. Rượu ngoại giả được sản xuất trong nước và cả ngoài nước nhập vào.
Rượu sản xuất trong nước, theo tôi, nên chọn mua sản phẩm của các loại rượu của các nhà máy lớn và có đủ uy tín. Các loại rượu tự chế tại các cơ sở tư nhân rất khó xác định được chất lượng.
Theo các tài liệu khoa học thì cồn được hấp thụ trên toàn tuyến của bộ phận tiêu hóa, bắt đầu ngay từ màng niêm mạc trong miệng. Cồn được hấp thụ ở đấy sẽ đi thẳng vào máu và được phân tán ra toàn cơ thể. Chính vì thế, nếu chọn rượu không an toàn và nhiều tạp chất, các bộ phận trên cơ thể đều bị ảnh hưởng rất nhiều, rất nhanh.
Các bác sĩ đã ghi nhận rất nhiều bệnh tật từ rượu kém chất lượng, như Alzheimer, bệnh ung thư ở đường tiêu hóa trên và ở gan. Do đó, bạn không nên phó mặc sức khỏe của mình cho rượu kém chất lượng.
Những cũng không thể vì rượu tốt mà uống bao nhiêu cũng được. Với các loại rượu tốt, chúng ta cần uống thế nào để đảm bảo sức khỏe, thưa GS?
Ở người châu Âu, nghiên cứu chỉ ra rằng cơ thể mất 1h để có thể phân hủy được khoảng 1g cồn/10kg cân nặng. Có nghĩa là một người nặng 70kg trong 1giờ chỉ có thể phân hủy được tối đa 7g cồn. Nếu trong giờ đó uống quá 7g cồn sẽ rất có hại cho cơ thể.
Tốc độ phân hủy cồn không tăng lên vì việc hay uống rượu. Chúng ta biết rằng 1 lon bia (330 ml) thường chứa khoảng 10g cồn, số lượng này tương đương với 1 ly rượu vang (120 ml) hoặc 45 ml rượu Whisky hay các loại rượu mạnh khác.
Từ đó suy ra không được uống quá số lượng đó trong 1 giờ. Việc đua nhau “Dzô, dzô” để uống thật nhiều bia hay rượu là một tập quán rất xấu và hết sức nguy hại cho sức khỏe nói chung và cho gan nói riêng.
Người ta đã thấy mối liên quan giữa rượu và các nguy cơ của bệnh xơ gan, nhiều dạng ung thư và chứng nghiện rượu. Mặc dù êtanol không phải là chất độc có độc tính cao, nhưng nó có thể gây ra tử vong khi nồng độ cồn trong máu đạt tới trên 0,4%.
Nồng độ thậm chí thấp hơn 0,1% có thể sinh ra tình trạng say, nồng độ 0,3-0,4% gây ra tình trạng hôn mê.
Tại nhiều quốc gia có luật điều chỉnh về nồng độ cồn trong máu khi lái xe hay khi phải làm việc với các máy móc thiết bị nặng, thông thường giới hạn dưới 0,05% tới 0,08%. Người ta cũng đã chỉ ra mối liên quan tỷ lệ thuận giữa etanol và sự phát triển của vi khuẩn Acinetobacter baumannii, vi khuẩn gây ra viêm phổi, viêm màng não và các viêm nhiễm hệ bài tiết.
Sự phát hiện này là trái ngược với sự nhầm lẫn phổ biến cho rằng uống rượu có thể giết chết nhiều loại vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm.
Hiệu ứng quen với cồn thường được nhìn thấy ở những người nghiện rượu không phải do việc phân hủy cồn nhanh mà là do hệ thống thần kinh đã quen với lượng chất độc cao hơn so với những người khác. Họ ít say hơn, ít đỏ mặt hơn nhưng tác hại của cồn thì không có gì thay đổi.
Có một vài cách để giảm thiểu tác dụng xấu của rượu, bia như sau:
– Không dùng nhiều loại rượu, bia cùng lúc: rượu thuốc, rượu vang, rượu trắng… mỗi loại có thành phần và liều lượng khác nhau, khi uống lẫn lộn, sẽ dễ làm bạn say hơn.